Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

Sống đạo trong một thế giới giải thiêng


Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Vấn đề giải trừ thần thiêng (désacraliation) là một vấn đề sôi nổi trong tư tưởng thần học thế giới từ mấy chục năm nay. Đầu tiên nó được đặt ra trong giáo hội Tin Lành Châu Âu. Người khởi xướng lừng danh nhất là Bonhoeffer, một mục sư người Đức đã chống lại Hit-le và đã bị nhà độc tài giết chết năm 1945. Một người nổi tiếng khác là Rô-bin-sơn, một Giám mục thuộc giáo hội Anh giáo, đã có công đại chúng hóa nhiều tư tuởng sâu sắc của Bonhoeffer. Ta cũng có thể nhắc đến tên tuổi của nhà thần học Tin lành Mỹ Harvey Cox[1].

Thực ra, nói “vấn đề giải thiêng” là còn nói một cách chưa chính xác lắm. Phải nói rằng giải thiêng là một sự kiện càng ngày càng hiển nhiên và phổ biến trong một thế giới lấy khoa học, kỹ thuật làm nền tảng. Bonhoeffer là người đầu tiên đã quan tâm tới sự kiện này một cách đặc biệt và suy nghĩ về những vấn đề do sự kiện đặt ra cho Kitô giáo. Ông nêu ra những câu hỏi đại khái như: trong một nền văn minh kỹ thuật, tôn giáo càng ngày càng mất chỗ đứng, càng ngày càng trở nên một hiện tượng bên lề, thì Kitô giáo còn cơ may nào nữa không? Kitô giáo có phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường không? Phải suy nghĩ lại cách sống đức tin như thế nào? Còn Rô-bin-sơn thì nhận địng rằng hình ảnh của ta về Thiên Chúa là một hình ảnh nghèo nàn và mang ít nhiều tính chất huyền thoại do một nền văn minh xa xưa để lại, nhưng nay không ăn gắn với nền văn minh mới nữa. Vậy để “lương thiện” (honest) với Người ta phải dẹp bỏ cái hình ảnh kia đi mới xứng với cái nhận thức mới ta có về Người ngày nay. Theo ông đó là một công tác “làm vệ sinh tôn giáo”, để tinh lọc nó, nếu không người Ki-tô hữu chúng ta sẽ không thể chân thành được, và thiếu mất một cái gì trong nền tảng Ki-tô giáo làm trở ngại cho một đời sống tôn giáo nghiêm chỉnh.
Vậy khi chúng tôi nêu ra đây vấn đề sống đạo trong một thế giới giải thiêng thì không phải nêu một vấn đề mới mẻ gì đối với những ai theo dõi tư tưởng Giáo hội thế giới. Cũng cần nói thêm là chúng tôi chỉ có thể gợi một vài ý tưởng để mọi người suy tư thêm, và trước tiên ai nấy có dịp kiểm điểm lại chính đời sống tôn giáo của minh trước sự cật vấn của nền văn minh khoa học, kỹ thuật[2].

I- GIẢI THIÊNG LÀ GÌ?

Chúng ta thử đưa ra vài thí dụ cụ thể, dễ hiểu.
Nhiều người còn nhớ trước kia dân chúng có tục hễ khi có mưa to, sấm sét, thì gọi “bập bập” vài tiếng để ông thiên lôi sợ mà trốn đi chỗ khác. Khi có nhật thực, nguyệt thực, họ tin là có con gấu đang nuốt mất mặt trời, mặt trăng, sợ là điềm gỡ, nên họ mang nồi niêu xoong chảo ra đánh om sòm để đuổi gấu đi.
Với khoa học, kỹ thuật ngày nay người ta giải thích được những hiện tượng thiên nhiên ấy và do đó tìm được cách trừ sét đánh, tính toán trước rất chính xác ngày giờ sẽ xảy ra nhật thực, nguyệt thực. Thế là một niềm tin bị hổng chân, sụp đổ.
Đó là hai trường hợp khử thần thiêng. Cái mà dân chúng coi là linh thiêng, bí nhiệm chẳng qua là cái khác thường mà họ không hiểu.
Lấy một thí dụ nữa. Tại khúc đường nọ thường hay xảy ra tai nạn giao thông. Thiên hạ tin rằng có một thần dữ hay một cô hồn nào đó chưa được yên thân, đang lang thang tìm cách làm hại khách đi đường. Người ta bèn lập am bày biện hương nến, trái trăng thờ cúng. Tự nhiên số tai nạn có giảm bớt thật. Nhưng xét cho đúng, thì chẳng phải vì thần thánh nào hỗ trợ, nhưng vì từ ngày có cái am ở góc đường, các tài xế lái xe cẩn thận hơn. Cái am chẳng qua chỉ là cái bảng hiệu dặn dò: Nguy hiểm! Hãy coi chừng! Thế thôi. Bằng chứng là kể từ ngày bộ Sở giao thông Công chính cho sửa lại khúc đường nhỏ hẹp, quanh co ấy, thì không còn thấy xe nào lao xuống hố nữa!
Lại một niềm tin nữa bị sụp đổ trước sự làm chủ thiên nhiên của con người. Chẳng có tà ma nào tác hại ở khúc đường nguy hiểm kia. Nó chỉ là kết qủa của sợ hãi, của dốt nát, và lòng mê tín: cái linh thiêng giả tạo ấy đã bị khử trừ.
* Vậy giải thiêng đối với con người là một công cuộc giải phóng.
* Hậu quả của nó đối với người có tín ngưỡng là đưa họ từ tình trạng ấu trĩ đến sự trưởng thành trong phạm vi linh thánh hoặc thần thiêng (le sacré). Đó cũng là một cuộc giải phóng đích thực.
* Giải thiêng còn là một cuộc giải phóng cho sự vật, trả lại sự tự lập chính đáng cho sự vật.
Thật thế, trong tình trạng ấu trĩ tôn giáo, cái thần thiêng là một thứ linh khí (fluide) hiện diện trong tất cả mọi sự vật (và cả một số người nào đó). Người ta gán cho sự vật một “ý nghĩa”, nhưng là một ý nghĩa giả tạo, qui ước không căn cứ trên bản chất đích thực. Sét không phải là “sét” (như nhà khoa học sẽ giải thích), nhưng là một cơn giận của ông thiên lôi. Con cá voi không phải là một động vật mà nhà sinh vật học biết được tường tận về cơ cấu bộ xương, về điều kiện sinh sống, về tập quán v.v…, nhưng là ông voi đáng kính đáng thờ.
Trong tình trạng trưởng thành tôn giáo, người ta phân biệt được cái linh thiêng (nếu có) với cái bản chất của sự vật. Nhờ đó mà khoa học phát triển và con người làm chủ được thiên nhiên nhiều hơn.

II. MỘT KITÔ GIÁO VÔ TÔN GIÁO LÀ GÌ?

Đứng trước sự giải thiêng của xã hội, một số nhà thần học Tin Lành đã đưa ra chủ trương về một Kitô giáo vô tôn giáo (Christianisme areligieux). Muốn hiểu chủ trương này, cần phải biết họ hiểu tôn giáo là gì?
Một cách tổng quát, tôn giáo được định nghĩa là nỗ lực của con người để chinh phục thần linh hay để đến với Thượng Đế. Theo định nghĩa đó thì Kitô giáo không phải là một tôn giáo, vì tự bản chất nó là một đạo “mặc khải”, nghĩa là một sáng kiến của Thiên Chúa tự bộc lộ cho con người và đi đến với con người.
Hình thức tôn giáo ngược với Kitô giáo một cách hiển nhiên nhất, đó là các tôn giáo tự nhiên.
Tôn giáo tự nhiên là một toàn thể gồm những nghi lễ, những thái độ tác phong có mục đích xua đuổi các hung thần hoặc ngăn cấm họ làm hại con người. Các đạo phù thủy, bùa ngải, thờ vật tổ (totémisme) đều thuộc loại nầy.
Đáng lưu ý là trong các tôn giáo tự nhiên, người ta không biết đến tình yêu Thiên Chúa (hay thần thánh tương đương). Đối với họ Thiên Chúa không phải là Đấng dạy ta làm lành, lánh dữ, nhưng là một hữu thể đầy uy quyền và khắt khe, phải tìm hết mọi cách làm vừa lòng. Người muốn một con gà chăng? Người ta dâng gà cho Người. Người muốn rượu chăng? Người ta dâng rượu ngon lên bàn thờ… Các của lễ không có mục đích nào khác hơn là để thỏa mãn Người, làm nguôi lòng Người, như thế Người sẽ để ta yên thân.
Trong dân gian ta, thái độ tôn giáo nầy còn rất phổ biến. Buôn bán lỗ lãi, đau ốm liên miên đó là dấu có một ông thần hay một oan hồn nào đó làm hại mình, cần phải cúng quảy, phải đổi hướng nhà, phải bốc một ngôi mộ, phải rước thầy trừ tà v.v… Một khúc đường lắm tai nạn, một gốc đa sum sê, già cỗi khác thường là những nơi có vật linh thiêng ở, cần phải thờ cúng để được may mắn.
Trong thái độ tôn giáo tự nhiên, thực ra chính con người lo cho bản thân mình, lấy mình làm tâm điểm chứ không phải là thần linh.
Kitô giáo chắc chắn không phải là một tôn giáo theo nghĩa trên đây. Các nhà thần học về sự giải thiêng đối lập đức tin với tôn giáo là vì thế. Thiên Chúa đề nghị một cách vô vị lợi và con người tiếp nhận trong tự do và tín thác: đó là lòng tin. Thiên Chúa không thù nghịch, không xa lạ với con người, với mọi dự tính của con người, với lịch sử loài người vì Người đã nhập thể, đã tự đồng hóa với con người, “cắm lều” giữa thế gian. Chúa ở trong chiều sâu của thực tại, của lịch sử. Chúng ta không bắt gặp người đâu khác ngoài chính con người, các thực tại trần thế, trong khi xây dựng một thế giới thật “nhân bản”.
Đẩy khuynh hướng nầy thật xa, thì người ta sẽ đi đến một điều mà chính Đức Giáo Chủ Phaolô VI đã không ngần ngại gọi là một “chủ nghĩa vô thần Kitô giáo” (athéisme chrétien). Đức tin vẫn còn, người ta bảo thế, nhưng Thiên Chúa đã chết rồi. Đức Thánh Cha viết:
“Người ta đề nghị trình bày Kitô giáo một cách thế tục (une version séculière du Christiansme), thu gồm tất cả đức tin Kitô giáo vào trong một chủ nghĩa nhân bản, ở đó nếu ta còn thấy danh từ “thánh thiêng” thì cũng chẳng qua chỉ còn là một cách để nói những phẩm tính nội tại của con người. Như thế, người ta làm cho sứ điệp của Chúa Kitô không còn mảy may qui về Thiên Chúa nữa, và người ta cổ võ điều mà ta chỉ còn có thể gọi là một chủ nghĩa vô thần Kitô giáo, dù rằng đó là một danh từ mâu thuẩn”[3].
Những thần học gia như Harvey Cox nghĩ rằng chỉ có cách trình bày và sống đức tin như thế mới có cơ may cho nó tồn tại trong thế giới tục hóa hôm nay. Theo chủ trương của họ thì rồi chẳng cần cơ cấu, chẳng cần lễ nghi tôn giáo, tóm lại chẳng cần những điểm tựa bên ngoài cho lòng tin nữa.
Dù đồng ý hay không đồng ý với họ, tưởng ai cũng phải nhìn nhận rằng nhiều thói tục của tôn giáo tự nhiên đã nhiễm vào Kitô giáo, nhất là ở những người trình độ thấp kém.

III. KITÔ GIÁO VỚI SỰ GIẢI THIÊNG

Người ta nhận định rất đúng rằng: sự giải thiêng đã khởi đầu với đạo Thiên Chúa, ngay từ thời Cựu Ước trong lúc các dân láng giềng theo đạo tự nhiên, tin rằng mặt trời, mặt trăng, đất đai, cây cối, loài vật là thần linh; riêng thần linh quấy nhiễu loài người ngăn trở cuộc sống của họ, công việc làm ăn của họ, vì thế phải tìm cách để được lòng các ngài, thì Môisen, các Ngôn Sứ và nói chung toàn lịch sử Cựu Ước đã cương quyết chống lại não trạng nầy, đã luôn luôn dùng những biện pháp, lắm khi có vẻ quá gắt gao đối với quan niệm của ta ngày nay, để giúp dân Do thái vượt qua não trạng ấy.
Sách Đệ nhị luật căn dặn: “Trong ngày Chúa phán cùng anh em tại núi Ho-rép, tuyệt nhiên anh em chẳng nhìn thấy một hình dạng nào, như thế là cốt đề phòng cho anh em khỏi bị lừa gạt mà làm hình tượng chạm trổ: hoặc hình tượng người nam người nữ, hoặc hình ảnh các súc vật ở nơi dương thế, hoặc chim chóc bay trên trời, hoặc rắn rết bò dưới đất, hoặc cá mú lội dưới nước; lại đề phòng cho anh em khi ngước mắt nhìn lên trời, nhìn nhật nguyệt tinh tú mà thờ bái chính những sự vật do Chúa là Thiên Chúa đã tạo thành để phục vụ cho nhân dân dưới gầm trời. Còn anh em, Chúa đã lựa chọn cứu cho khỏi gông cùm xứ Ai-cập để anh em thành một dân thừa kế như hiện trạng ngày nay” (chương IV,13-20).
Sở dĩ giới răn thứ nhất của Cựu Ước nhấn mạnh đến tình yêu Thiên Chúa thì cũng chính là để giúp tín đồ có một quan hệ đúng đắn với Chúa và vượt khỏi não trạng của tôn giáo tự nhiên, của ma thuật, bùa chú.
Vậy thực sự Đạo mặc khải đã giải trừ thần thiêng: nghĩa là giải phóng vũ trụ khỏi những thần linh giả tạo. Đứng về phương diện nhân bản, thì đó là một động tác nội tại của trí khôn vươn tới tính khách quan (là điều kiện cần thiết cho tiến bộ khoa học). Sự vật không chất chứa một linh khí hay thần linh tốt hoặc xấu: sự vật là sự vật, không khác gì hơn là sự vật với qui luật chi phối nó. Đứng trước hang núi phun lửa, trước một trận mưa bão, trước mặt trời, mặt trăng, người ta đứng trước một hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Người tín đồ nói thêm (nhưng cũng không thay đổi gì trên phương diện nhận thức khoa học) rằng đó chỉ là tạo vật.
Một khi thiên nhiên đã được giải thiêng như thế rồi, thì con người được toàn quyền khám phá và sử dụng. Hơn nữa đối với người Kitô hữu thì đó còn là một bổn phận (xem Khởi nguyên 1,26). Một cách chung, văn minh là một hành động chống lại sự thần thiêng hóa (giả tạo).
Theo quan điểm Kitô giáo, giải thiêng có thể có một nghĩa tích cực: Đó là một bước tiến nhằm xét xem một cách khách quan vạn vật trong tương quan đích thực với Thiên Chúa.
Công Đồng Vatican II trong Hiến chế Mục vụ đã nhận định như sau: “Những hoàn cảnh mới cũng ảnh hưởng tới đời sống tôn giáo. Một phần vì khả năng phán đoán sâu sắc trên đã thanh lọc khỏi đời sống tôn giáo quan niệm ma thuật về thế giới và những mê tín vẫn còn tràn lan tới ngày nay. Khả năng ấy đòi hỏi đức tin phải được chấp nhận mỗi ngày một thêm cá biệt và linh hoạt: bởi đó nhiều người đạt được một ý thức sống động hơn về Thiên Chúa” (MV,7).
Với một sự giải thiêng như thế, con đường đã mở ra cho một quan niệm đúng đắn về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa.
Đức Kitô là một con người đã làm công tác giải thiêng tới mức tối đa. Ngài lật tẩy mọi thứ thánh thiêng “chủ quan”, qui ước, giả tạo.
Thế nhưng qua giòng lịch sử, chính Kitô giáo đã không khỏi nhiễm lấy não trạng thần thiêng của tôn giáo tự nhiên. Ta cứ nhìn vào tác phong của nhiều đồng bào công giáo thì rõ.
Một thiếu nữ đến xin cha sở bình nước thánh. Vị linh mục vừa xoay lưng đi, thì cô nói theo: “Thưa cha, xin cho nhiều nhiều, gia đình con bị đau mấy bữa nay. Bữa qua má con thấy hai con bướm đen lượn đi lượn lại trên cây mận trước nhà”.
Người ta dùng nước thánh (nước phép) hoặc uống nước suối Đức Mẹ với tin tưởng rằng các thứ nước ấy chứa đựng một thần lực nào đó. Khi linh mục làm phép một mẫu ảnh, người ta tưởng tượng ông đuổi một tà ma ra khỏi đó, và lắm người mang ảnh tượng như mang một cái bùa hộ mệnh.
Cả đến tu sĩ, linh mục đôi khi cũng bị thần thiêng hóa. Có người công giáo nói rằng khi ngồi trong xe khách hay máy bay mà có một cha hay một “xơ”, là cảm thấy yên tâm. Sự kính trọng quá đáng đối với giáo sĩ đôi khi cũng phát sinh từ sự thần thiêng hóa giả tạo nầy.
Đạo của nhiều người công giáo ta xem ra còn rất gần với đạo tự nhiên. Họ lo lắng cho đời sống được an toàn hơn là lo qui hướng cuộc sống mình về Thiên Chúa. Cũng vì lẽ đó nên sự cầu nguyện bị giản lược vào việc xin ơn.
Không những dân chúng dễ bị tiêm nhiễm bởi não trạng thần thiêng (mentalité sacrale) mà ngay trong thần học, trong sách Nghi lễ (sách làm các phép) của ta vẫn còn những tư tưởng phát sinh từ sự thần thiêng hóa giả tạo. Chính các linh mục hãy coi chừng trước hết: Khi họ làm phép bánh chẳng hạn, họ rất dễ tưởng tượng rằng họ đuổi một hung thần nào đó ra khỏi bánh và đưa vào đó một sức thiêng làm cho bánh trở nên lợi ích cho người dùng.
Ở đây ta thấy người linh mục có một công tác giáo dục đức tin mênh mông, nhưng tiếc thay lắm lúc họ lại chiều theo khuynh hướng của quần chúng một cách quá mềm yếu hoặc mù quáng, thậm chí có khi vô tình đã hành động như những thầy phù thủy của các tôn giáo sơ khai.
Khoa học, kỹ thuật có tác dụng loại bỏ cái linh thánh và con người đến một thứ chủ nghĩa vô thần thực tiễn. Để phản ứng lại, người ta duy trì một số việc sùng kính vốn là chính đáng mà không giải thích ý nghĩa đúng của nó trong một nền thần học lành mạnh. Như thế, người ta làm cản trở sự tiến tới tính khách quan (một đặc điểm của tinh thần khoa học) đã phát sinh từ chính mặc khải.
Tuy trong nhiều điểm giới giáo sĩ, tu sĩ đã vượt qua tình trạng ấu trĩ tôn giáo, nhưng vẫn giữ lại một số công thức diễn tả nó. Có nhiều vấn đề phải suy nghĩ lại.
Thay vì phát huy sự thần thiêng hóa đích thực như sẽ trình bày sau, người ta đã bám víu vào thần thiêng hóa giả tạo, nên người ta rất dễ gặp khủng hoảng trước đà tiến của khoa học. Đối với nhiều người khủng hoảng đó có thể đưa họ đến chỗ mất hết lòng tin, bởi vì tôn giáo của họ thường thu gồm lại trong những ảnh tượng và những việc sùng kính phụ thuộc và hơn nữa thuộc đạo tự nhiên. Tình trạng này có thể còn bi đát hơn nơi giới trẻ vì cách diễn tả đức tin không phù hợp với não trạng khoa học mà người đương thời đang hấp thụ mãnh liệt.

V. THẦN THIÊNG HÓA GIẢ TẠO VÀ THẦN THIÊNG HÓA ĐÍCH THỰC

Trên đây đã cho thấy có một sự thần thiêng hóa giả tạo cần phải loại trừ và một sự thần thiêng hóa (sacralisation) tích cực, phải khích lệ.                              
Thần thiêng hóa giả tạo là khi người ta gán cho sự vật tính linh thiêng, đáng tôn, đáng kính, đáng sợ mà thực ra sự vật không có gì là linh thánh hết. Ý nghĩa người ta gán cho sự vật chỉ là chủ quan, không có một nền tảng khách quan nào vững chắc. Thường thì sự dốt nát, lòng sợ hãi và sự bần cùng đưa tới thần thiêng hóa giả tạo. Sự giải thiêng trong trường hợp này có ý nghĩa như là một cuộc giải phóng con người. Đối với dân chúng Việt Nam, những cái khác thường đều là cái linh thánh: một hòn đá có hình thù kỳ dị, một gốc đa to lớn và già nua khác thường, một buồng chuối có quá nhiều nải v.v… và v.v…
Trên kia chúng ta cũng nhận định rằng chính người Kitô hữu cũng dễ rơi vào thần thiêng hóa giả tạo. Chẳng hạn khi họ coi mẫu ảnh Đức Mẹ như chứa đựng một thần lực có thể xua đuổi tà ma và đem lại sự che chở của Đức Mẹ. Họ không biết rằng các ảnh Chúa Mẹ và mọi sự sùng kính chỉ là những phương tiện khiêm tốn diễn tả lòng tin, lòng mến của ta đối với Chúa, và chỉ một mình Chúa Kitô là Đấng Cứu độ ta. Và như đã lưu ý trên đây, lắm khi các chủ chăn vô tình, hữu ý đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển điều mà chính Mặc khải đã muốn tiêu diệt, tức là não ma thuật bùa chú.
Nhưng chúng ta cũng phải dứt khoát tuyên xưng rằng vạn vật có gắn liền với cái linh thánh đích thực và do đó có một sự thần thiêng hóa đích thực, khách quan. Bởi vì quả thực là Thiên Chúa hiện hữu. Người không phải là sản phẩm của con người. Mọi hữu thể, mọi sự vật có “quan hệ”với Người và mối quan hệ đó chính là cái linh thánh (le sacré) gắn liền với vạn vật. Không có cái tục giới thuần tuý, nghĩa là vạn vật không phải là thực tại tuyệt đối, hoàn toàn tự lập, không có một nền tảng nào nơi Thiên Chúa. Không có cái tục giới thuần túy bởi lẽ vạn vật đều nối liền với Thiên Chúa xét về mặt hiện hữu, nghĩa là phải lệ thuộc vào Thiên Chúa để mà hiện hữu. Cắt đứt sợi dây lệ thuộc này, là vạn vật rơi vào hư vô.
Mọi người Kitô hữu đều phải vui mừng trước phong trào tục hóa lành mạnh, trả lại tự do, tự lập chính đáng cho sự vật, thay vì giam hãm nó vào trong lệ thuộc giả tạo đối với tôn giáo. Nhưng người Kitô hữu đích thực cũng phải cương quyết chống lại chủ nghĩa duy thế tục, coi cái trần tục là cái duy nhất hiện hữu.

V. MỘT VÀI GỢI Ý MỤC VỤ

Như đã trình bày trên đây, ngay trong Kitô giáo cụ thể của ta vẫn còn gặp thấy nhiều sự thần thiêng hóa giả tạo, qui ước, vô giá trị: muốn bảo vệ nó là mất giờ vô ích, lại chỉ có hại mà thôi.
Vậy:
1. Phải chấp nhận giải thiêng trong tư tưởng và đời sống tôn giáo của ta khi cần. Nếu ta không tự làm lấy thì văn minh kỹ thuật cũng sẽ làm, nó đang làm và làm rất mau lẹ, và quyết liệt.
Chấp nhận giải thiêng có nghĩa là loại trừ cái linh thánh giả tạo, không khách quan. Cũng có nghĩa cụ thể là chẳng cần phải thay đổi sâu sắc một số những công việc của tôn giáo ta.
2. Bước thứ hai phải làm là chính bản thân giới linh mục (và tu sĩ) cũng cần vượt qua tinh thần bùa chú, tinh thần thờ bái vật tổ (thường là vô ý thức) để tiến tới tinh thần Phúc Âm. Họ có tẩy sạch được não trạng ma thuật, mới mong giúp giáo dân tiến tới một đức tin trong sáng, trưởng thành được. Một công tác mục vụ to lớn và cấp bách.
Những người hữu trách nên giáo dục cho tín hữu biết quí chuộng và thực thi Lời Chúa (nhất là Phúc Âm) hơn là những “suy nghĩ” đôi khi đáng nghi ngờ của một số sách “thiêng liêng” biết coi trọng các bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa giải hơn là những việc đạo đức, tôn sùng có tính cách cá nhân. Đối với những việc này, cần phải soi sáng, giải thích bằng một nền thần học lành mạnh vì đây là miếng đất thuận lợi nhất cho tinh thần ma thuật của tôn giáo tự nhiên phát triển. Thiết tưởng người làm mục vụ phải khôn ngoan, kiên trì nhưng cũng can đảm, dám đi ngược thị hiếu của giáo dân trong một số công việc.
Người ta cần lưu ý cách riêng tới giới trẻ để giáo dục đức tin sáng suốt, vì họ là lớp người dễ hấp thụ tinh thần khoa học hơn cả, ấy thế mà các lối trình bày giáo lý và diễn tả đức tin nhiều khi còn nằm quá xa cái tinh thần ấy.
Không nên coi những cật vấn của xã hội giải thiêng như cái gì tiêu cực, trái lại nên lấy đó làm cơ hội để tiến bộ. Khi một ai hỏi các em: bởi đâu mà có cơm gạo, có phải nhờ cầu nguyện, hay nhờ lao động, nhờ gieo vãi, nhờ bón phân, làm cỏ, làm thủy lợi v.v…, thì người đó đặt ra cho ta một vấn đề phải đào sâu về ý nghĩa của việc cầu nguyện xin ơn chẳng hạn.
3. Tất nhiên là người Kitô hữu xác tín rằng cái linh thánh có thực, có thể nói tất cả đều linh thánh nghĩa là tất cả đều liên kết, bằng cách nào đó, với Thiên Chúa. Có ý thức đúng về cái linh thánh đích thực như thế (nó không hề đối lập với con người), ta mới thực tình xây dựng thế giới trần gian nầy, mới trả lại cho các giá trị tự nhiên sự tự lập chính đáng của nó được.
Khi các em đi học về tập đọc kể rằng, thầy dạy phải thay trời làm mưa, thì đừng vội hoảng hốt… Phản ứng của ta cho thấy rằng một cách vô ý thức ta còn muốn duy trì cái linh thánh giả tạo. Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong bài nói chuyện đã trích dẫn trên đây cảnh cáo: “Một số tín hữu bị cám dỗ nghĩ rằng không thể giải quyết các vấn đề của thế giới ngoài đức tin của Giáo hội và các nguyên tắc Kitô giáo. Đi cho tới cùng trong lối suy nghĩ này, phải chăng là chối bỏ trách nhiệm của loài người, mà chính trách nhiệm đó là một phần tạo nên sự cao cả con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa? Phải chăng là từ chối cộng tác chân thành với mọi người thiện tâm, thiện chí không cùng chia sẻ đức tin của ta? Đó là thái độ độc khối[4] lẫn lộn Nước Chúa với trần gian”.
Có lẽ cơ may cho Kitô giáo hiện nay nằm ở chỗ tích cực cộng tác với mọi người anh em để phát huy các giá trị nhân bản đích thực.
4. Nhưng Đức Thánh Cha cũng lưu ý ngay một cám dỗ khác: “…Duy trì sự phân biệt (không phải phân chia) giữa Nước Chúa và Thế giới trần gian không phải là đối lập chúng một cách quá khích, như thể là các thực tại trần thế chẳng có liên hệ nào tới Nước Chúa, như thể là những công trình ở thế gian này không quan hệ gì cho đức tin (vì cho rằng) đức tin(chỉ) chờ đợi sự cứu độ nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhiều tâm hồn cao thượng đã nghĩ như thế và theo họ thì thái độ này xem ra bảo toàn được tính siêu việt của Thiên Chúa. Thực ra, rất lắm lúc nó đưa tới chỗ loại Chúa ra khỏi cuộc sống nhân loại. Giáo lý công giáo luôn luôn canh chừng trước cái quá khích đó bởi vì Thiên Chúa phải vừa là Đấng tạo thành vừa làĐấng cứu độ và thánh hóa đó sao?” (bài đã dẫn, tr.303).
Vậy thì người Kitô hữu, đặc biệt là người linh mục, tu sĩ, một đàng phải biết quí mến và vun trồng các giá trị tự nhiên như tinh thần khoa học: tính khách quan, sự chính xác, óc quan sát, làm việc có phương pháp, tinh thần cầu tiến, hiếu học v.v…, đàng khác phải tập cho có thái độ quan chiêmđích thực, biết tìm kiếm Chúa trong mọi sự, biết cầu nguyện trong mọi môi trường.
Nếu muốn qui tất cả về Thiên Chúa mà không biết đánh giá đúng mức các giá trị tự nhiên và công cuộc xây dựng trần thế, người ta sẽ rơi vào chủ nghĩa duy siêu nhiên và óc độc khối; ngược lại nếu thiếu tinh thần quan chiêm nầy, người ta sẽ rơi vào chủ nghĩa duy tự nhiên.
Duy trì sự quan hệ đúng đắn giữa hai phía là điều không dễ, nhưng sống cho đúng tinh thần Phúc Âm có bao giờ dễ đâu?
[1] Nên đọc tác phẩm tiêu biểu: Résistance et Soumission của Bonhoeffer; Honest to God của Robinson và The secular city của Harvey Cox.
[2] Bài này viết dựa theo Cha Constantin Koser O.F.M
[3] Documentation cath. 7 (1971) tr. 303.
[4] Độc khối (monolithisme) là chủ trương coi tất cả mọi sự trần thế lệ thuộc hoàn toàn vào tôn giáo như phương tiện phục vụ tôn giáo.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét